Đau Bụng Kinh - Nguyên Nhân Và Các Dấu Hiệu Không Nên Bỏ Qua

Icon Logo CMS Administrator | 10.01.2023

Đau bụng kinh là dấu hiệu phổ biến mà rất nhiều chị em gặp phải mỗi khi đến chu kỳ kinh  nguyệt. Tình trạng này gây không ít phiền toái, khó chịu, nặng hơn khiến chị em phải dùng đến thuốc giảm đau. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và các dấu hiệu không thể bỏ qua khi đau bụng kinh qua bài viết này.

Đau bụng kinh

Chu kỳ kinh nguyệt là điều hết sức bình thường mà trẻ em gái từ tuổi dậy thì phải trải qua. Chúng đánh dấu khả năng đã có khả năng sinh sản và thường mỗi tháng sẽ xảy ra 1 chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn đầu, tử cung làm dày lớp niêm mạc để chuẩn bị cho trứng rụng. Nếu trứng được thụ tinh sẽ phát triển thành thai nhi.

Đau bụng kinh là các cơn đau xảy ra trong thời gian kinh nguyệt (hành kinh), thường xuất hiện ở bụng dưới, lưng dưới và phía trên đùi. Lớp niêm mạc của tử cung bong ra khiến tử cung phải co lại để đẩy lớp niêm mạc bị bong ra ngoài. Lúc này, một chất hóa học là prostaglandin được sản sinh để co tử cung và gây ra cơn đau. Các cơn đau bụng kinh có thể xuất hiện trước và sau khi “đến tháng”, có thể đau kéo dài từ 1-4 ngày trong chu kỳ kinh nguyệt.

Triệu chứng khi đau bụng kinh

Thông thường, khi bị đau bụng khi hành kinh, không chỉ có các cơn đau kéo dài, các chị em còn cảm thấy vô cùng khó chịu. Khi sắp đến chu kỳ, các cơn đau xuất hiện do tử cung phải co bóp để làm bong lớp niêm mạc. Các cơn đau có thể đau nhói, đau quặn, dữ dội, có khi lại đau âm ỉ. Chúng có thể đi kèm những cơn chuột rút ở bụng. Các cơn đau có thể lan đến lưng dưới và dưới đùi. Đó là vì sao bạn cảm thấy vừa đau lưng vừa đau bụng dưới do tử cung phải co bóp. 

Triệu chứng đau bụng kinh

Thông thường, các cơn đau sẽ xuất hiện trước từ 1-3 ngày hành kinh. Lúc này, bạn thường có cảm giác đau râm ran ở bụng dưới và bụng căng tức. Ngày đầu tiên hành kinh cảm thấy cơn đau dữ dội sau đó giảm dần ở ngày thứ 2-3.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Thay đổi nội tiết tố

Khi đến kỳ kinh, hormone prostaglandin tiết ra nhiều hơn giúp tử cung co bóp, đẩy máu kinh ra ngoài. Các cơn đau bụng cũng xuất hiện do hormone này, đi kèm với tình trạng tiêu chảy, buồn nôn. Khi niêm mạc tử cung bong ra hết sau vài ngày của chu kỳ kinh, prostaglandin giảm xuống thì cơn đau bụng cũng giảm.

Với nguyên nhân này, tình trạng đau bụng kinh sẽ giảm dần và hết đi sau 1-3 ngày kể từ khi bắt đầu hành kinh. Bạn không cần quá lo lắng về nguyên nhân này. Với trường hợp đau nặng do prostaglandin, thuốc giảm đau dạng ibuprofen sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.

Đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai đặt trong tử cung người phụ nữ giúp trứng sau khi được thụ tinh không thể bám vào tử cung để phát triển. Dụng cụ này có thể là nguyên nhân khiến đau bụng kỳ kinh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi chèn.

Nếu tình trạng đau bụng sau khi đặt vòng tránh thai kết hợp với dấu hiệu chu kỳ không đều, chảy máu bất thường, dịch âm đạo có mùi hôi, đau khi quan hệ thì cần sớm tới cơ sở y tế kiểm tra.

Bệnh lý - lạc nội mạc tử cung

Đây là một tình trạng mà lớp niêm mạc của tử cung (được gọi là nội mạc tử cung) bị lắng đọng bên ngoài khoang của tử cung. Các mô đáng lẽ phát triển trong tử cung lại được tìm thấy ở các bộ phận khác trên cơ thể. Những mô này có thể có đáp ứng hoặc có chức năng khác so với mô phát triển trong tử cung.

Các trường hợp lạc nội mạc tử cung được phát hiện ra ở vùng chậu như buồng trứng, ống dẫn trứng và các bộ phận khác của khung chậu. Theo thời gian, những mô niêm mạc kinh nguyệt này gây viêm và sẹo trong khung chậu của phụ nữ. Nó có thể không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội trong thời kỳ kinh nguyệt mà còn có thể gây vô sinh. Chúng có thể gây ra u nang buồng trứng lớn được gọi là "u nang sô cô la". Phụ nữ có thể mất nhiều năm mà không chẩn đoán ra vì nó có thể xảy ra mà không có triệu chứng.

Chế độ ăn uống

Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể khiến bạn gặp phải cơn đau bụng kỳ kinh nặng hơn. Các thực phẩm mặn như khoai tây chiên, đồ ăn đóng hộp,… khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn và gây ra tình trạng đầy hơi, đau bụng. Mỡ động vật, nhất là các loại thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa khiến chị em dễ bị đầy hơi, đau vú, nổi mụn khi đến kỳ kinh. Acid arachidonic chứa nhiều trong thực phẩm này cũng khiến cơ thể tăng tiết hormone prostaglandin gây co bóp tử cung mạnh, đau bụng nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng

Nhìn chung, các trường hợp đau bụng thời kỳ kinh do thực phẩm ăn vào thời điểm khi đến kỳ kinh nguyệt có thể khắc phục được và không gây nguy hiểm gì đến người bệnh. Song nếu do nguyên nhân bệnh lý, thiết bị tránh thai thì cần được kiểm tra tránh biến chứng nguy hiểm.

Kết luận

Đau bụng thời kỳ kinh nguyệt là tình trạng thường gặp và không quá nguy hiểm với chị em phụ nữ mỗi tháng. Hy vọng rằng qua bài viết trên, chị em đã hiểu được nguyên nhân và các dấu hiệu phổ biến khi xuất hiện đau bụng kinh. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe bản thân vào những ngày ấy nhé!