5 Cách Khắc Phục Tình Trạng Kinh Nguyệt Không Đều Ở Tuổi Dậy Thì 

Icon Logo CMS Administrator | 10.12.2022

Rối loạn kinh nguyệt là vấn đề phổ biến thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là ở tuổi dậy thì khi cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Cùng tìm hiểu 5 phương pháp khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì nhé. 

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt được coi là những biểu hiện bất thường của các kỳ kinh nguyệt. Một kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài khoảng từ 4 ngày đến 1 tuần. Đối với một người hoàn toàn khỏe mạnh và không mắc phải bất cứ bệnh tật nào, kỳ kinh nguyệt sẽ có chu kỳ lặp lại sau 28 đến 30 ngày. 

Thông thường, kinh nguyệt sẽ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thời gian từ 10 đến 15 tuổi. Tùy vào sự phát triển khác nhau, thời gian này sẽ có sự xê dịch chút ít. Tuy nhiên đến thời điểm sau 17 tuổi kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện, đây có thể là dấu hiệu bệnh lý nào đó hoặc rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì.

Ở tuổi dậy thì, buồng trứng của các bạn gái chưa phát triển đầy đủ. Tình trạng kinh nguyệt không đều đặn xuất phát từ việc cơ thể có nhiều sự biến đổi liên tục. Ngoài ra còn một số yếu tố tác động đến như: sự thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống không hợp lý, thức khuya, căng thẳng vì công việc và học tập. 

Cách khắc phục kinh nguyệt không đều

Khi mới bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, các bé gái cần chú ý hơn trong việc chăm sóc cơ thể, đặc biệt là vùng kín. 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý 

Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ góp phần tạo nên sự ổn định cho sức khỏe. Từ đó giúp chế độ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, thuận lợi hơn. Trong khẩu phần ăn cần tăng cường bổ sung các loại khoáng chất, rau củ quả, vitamin,... Hạn chế ăn các loại đồ ăn chiên rán, quá cay nóng. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn ở tuổi dậy thì.

Bạn nên cho trẻ bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, phô mai…. Đồng thời, các loại rau và hoa quả, đặc biệt là các loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà rốt, cà chua… cũng rất có tác dụng trong việc điều chỉnh kỳ kinh nguyệt. Trẻ nên hạn chế các loại đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nóng và các loại đồ uống có cồn hay chất kích thích.

Bổ sung sắt vào cơ thể

Các bậc phụ huynh nên cho trẻ bổ sung viên thuốc sắt trước và sau thời kỳ kinh nguyệt để phòng bệnh đau bụng kinh, hoặc các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra với trẻ. Bên cạnh việc bổ sung sắt, bạn nên cho trẻ sử dụng theo dạng chế phẩm có chứa sắt, dầu mè đen, vitamin B12 và vitamin E kết hợp với axit folic.

Chăm sóc vùng kín cẩn thận

Ở độ tuổi dậy thì, các bé gái chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vệ sinh vùng kín. Việc này đã dẫn đến tình trạng viêm nhiễm phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung. Dưới đây là một số lưu ý khi vệ sinh vùng kín: 

  • Vệ sinh cô bé từ 1-2 lần mỗi ngày với nước sạch. Trong thời kỳ kinh nguyệt, có thể rửa với dung dịch vệ sinh
  • Giữ vùng kín luôn khô thoáng
  • Mặc đồ lót từ chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi
  • Thay băng vệ sinh đầy đủ trong những ngày hành kinh

Chế độ sinh hoạt khoa học

Thức khuya là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nội tiết tố. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chu kỳ trứng rụng trứng, khiến cho kinh nguyệt không đều, cơ thể thiếu sức sống. Ở độ tuổi dậy thì, các bạn gái tốt nhất nên ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày. Ngủ sớm và ngủ sâu giấc để đảm bảo trạng thái cân bằng tốt nhất cho cơ thể.

Làm việc lao lực, căng thẳng mệt mỏi sẽ gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh thời gian học tập và làm việc, hãy tạo môi trường để giữ được tinh thần thoải mái vui vẻ nhất có thể. Tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn bằng những hoạt động giải trí nhẹ nhàng. 

Rèn luyện nâng cao sức khỏe

Rèn luyện thể dục thể thao luôn luôn là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt đối với trẻ ở tuổi dậy thì, việc vận động sẽ tăng cường lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, giúp cân bằng nội tiết tố cho cơ thể. Hãy dành thời gian rèn luyện thể dục thể thao vận động mỗi ngày để chống lại tình trạng rối loạn kinh nguyệt. 

Tuy nhiên, tập thể dục quá sức có thể tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ vị thành niên. Nếu trẻ thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao, nhiều khả năng trẻ sẽ không có kinh trong nhiều tháng. Chu kỳ kinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào cường độ tập và bài tập mà trẻ đang thực hiện.

Kết luận

Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể có nhiều sự thay đổi và các vấn đề về kinh nguyệt xuất hiện. Khi các bé còn bỡ ngỡ về các thay đổi này, mẹ nên quan tâm và chăm sóc bé cẩn thận hơn. Hy vọng rằng, với 5 phương pháp ở trên, tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì sẽ sớm được cải thiện.