Các Phương Pháp Thúc Đẩy Tóc Nhanh Dài Hiệu Quả

Icon Logo CMS Administrator | 03.04.2024

Tóc gãy rụng là nỗi lo lắng của nhiều chị em vì tóc thưa mỏng gây mất thẩm mỹ, khiến bạn tự ti, không hài lòng với ngoại hình của mình. Vậy, có cách nào giúp tóc nhanh dài mà lại an toàn khi áp dụng? Hãy cùng tham khảo qua bài viết này nhé. 

Tóc lâu dài, do đâu?

Trung bình, mỗi người có khoảng 100.000 nang tóc. Mỗi nang tóc sẽ mọc lên khoảng 20 sợi tóc trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tuổi thọ của mỗi sợi tóc kéo dài trong khoảng 2 – 6 năm, tùy thuộc vào sức khỏe và sự chăm sóc cho mái tóc của mỗi người.

Vòng đời của sợi tóc

Vòng đời của tóc có 3 giai đoạn: 

  • Giai đoạn mọc: Đây là giai đoạn dài nhất trong vòng đời của một sợi tóc kéo dài từ 2 – 6 năm. Có khoảng 85-95% số sợi tóc trên đầu là ở giai đoạn này. Tại đây, các tế bào mầm tóc di chuyển liên tục dưới tác động của thần kinh nội tiết, rồi tăng sinh và biệt hóa để hình thành sợi tóc nhú ra ngoài phần da đầu.
  • Giai đoạn ngưng mọc: Đây còn gọi là giai đoạn ngừng tăng trưởng, thường kéo dài khoảng 2 tuần đến 1 tháng, chân tóc tách hẳn khỏi nhú bì và chỉ có khoảng 1-2% số sợi tóc ở giai đoạn này. 
  • Giai đoạn nghỉ (chờ rụng và rụng): Kéo dài khoảng 3 tháng. Lúc này, sợi tóc sẽ từ từ được đẩy ra khỏi da đầu. Quá trình mọc sợi tóc mới được chuẩn bị bắt đầu. Có 5-10% số lượng tóc ở giai đoạn nghỉ.

Hầu hết các sợi tóc phát triển với tốc độ trung bình khoảng 0,3 đến 0,4mm mỗi ngày. Vì vậy, sau mỗi tuần tóc có thể dài thêm khoảng 2mm và khoảng 1-1,5cm mỗi tháng. Tuy nhiên, quá trình mọc và rụng tóc của mỗi người thường không giống nhau.

Phương pháp tóc mọc nhanh

Cắt tóc thường xuyên

Nếu bạn mong muốn có một mái tóc dài nhưng chờ mãi thấy tóc vẫn ngắn cũn cỡn thì nên nghĩ đến một giải pháp hữu hiệu là cắt tỉa phần khô xơ ở ngọn để giúp cho tóc trông khỏe mạnh hơn.. Phần ngọn tóc thường xuyên bị chẻ ngọn khiến cho tóc bạn trông có phần xơ xác và kém khỏe mạnh. Đây cũng là bí quyết nhiều người chia sẻ để giúp cho tóc mọc nhanh hơn.

Thực tế, khi tóc bạn càng dài, càng mỏng manh, tóc sẽ dễ bị gãy, chẻ ngọn và nhanh rụng hơn, đặc biệt là nếu tóc đã qua xử lý hóa chất. Vì vậy, hãy thường xuyên cắt tỉa đuôi tóc, có thể là 3-4 tháng/lần hoặc sớm hơn nếu tóc bạn nhanh dài.

Gội đầu bằng nước mát

Nhiều người nghĩ rằng gội đầu bằng nước ấm sẽ giúp thư thái da đầu và giúp tóc mọc nhanh hơn. Nhưng thực tế cho thấy là nước ấm lại không tốt cho tóc, vì hơi nóng có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của tóc, khiến tóc khô xơ, giòn và dễ gãy hơn. Do vậy, nếu bạn muốn tóc giảm rụng, mọc nhanh dài thì nên gội đầu bằng nước mát thay vì bằng nước ấm.

Việc gội đầu bằng nước lạnh giúp giữ lại lượng dầu và bã nhờn tự nhiên, giúp giữ ẩm cho da đầu và tóc. Hơn nữa, các lỗ chân lông trên da đầu mở ra dễ tích tụ bụi bẩn, chất ô nhiễm độc hại, mồ hôi và dầu trong nang tóc của bạn. Gội đầu bằng nước mát có thể giúp thu nhỏ các lỗ chân lông và duy trì vệ sinh cho da đầu.

Hạn chế tác động nhiệt

Việc thường xuyên thay đổi kiểu tóc bằng các phương pháp như như uốn, duỗi, bấm… xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là những dịp quan trọng trong đời. Mặc dù không thể tránh hoàn toàn thói quen tạo kiểu tóc mới nhưng bạn nên chú ý không dùng nhiệt độ cao quá lâu trên tóc, thay đổi kiểu tóc không quá 1 lần trong vòng 6 tháng… Đặc biệt, sau mỗi lần gội đầu, bạn nên lau khô tóc bằng khăn bông nhẹ nhàng và sau đó để tóc khô tự nhiên hoặc gió từ máy quạt thay vì dùng máy sấy.

Gội đầu với tần suất hợp lý

Gội đầu là bước cần thiết giúp làm sạch tóc và da đầu nhưng gội đầu quá nhiều lại có thể gây hại cho tóc. Do đó, mỗi tuần bạn chỉ nên gội đầu 2 – 3 lần hoặc 4 – 5 lần nếu làm công việc ngoài trời.

Tần suất gội đầu

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho da đầu, kích thích mọc tóc tốt hơn nên lựa chọn loại dầu gội phù hợp với tính chất tóc và da đầu. Bạn nên ưu tiên các loại dầu gội có thành phần thiên nhiên, an toàn, lành tính. Đồng thời, bạn cần tránh sử dụng các loại dầu gội công nghiệp có chứa các thành phần hóa học gây hại cho tóc như paraben, sodium laureth, propylene glycol,…

Hạn chế làm hóa chất

Khi sử dụng thuốc nhuộm, thuốc tẩy lên tóc, chúng sẽ tạo ra một phản ứng hóa học khiến các protein của tóc mở ra cho phép hóa chất thâm nhập vào sợi tóc. Trên sợi tóc, thuốc nhuộm tóc làm thay đổi cấu trúc và màu sắc sợi tóc. Nếu tóc của bạn đã mỏng hoặc dễ gãy, nhuộm có thể khiến tóc yếu hơn. Tóc dày cũng có thể gặp tác dụng phụ khi nhuộm vì thuốc nhuộm có thể mất nhiều thời gian hơn để “nâng” các protein trên tóc và có thể cần thời gian sử dụng lâu hơn.

Nếu bạn vẫn muốn thay đổi kiểu tóc, các chị em cần lưu ý không nên lạm dụng uốn nhuộm quá thường xuyên. Tần suất thực hiện tối đa nên là 6 tháng/lần. Khi thực hiện, bạn hãy lựa chọn các cơ sở sử dụng thuốc nhuộm, thuốc tẩy an toàn và ít làm hại tóc.

Kết luận

Trên đây là các phương pháp thúc đẩy tóc nhanh dài hơn. Hy vọng rằng bạn sẽ áp dụng hiệu quả các cách này, để bản thân sở hữu một mái tóc bồng bềnh và dài mượt nhé.